Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

Chăm sóc sức khỏe thời kỳ kinh nguyệt

Những ngày “đèn đỏ” (thời gian hành kinh), cơ thể phụ nữ có những biến đổi khiến chị em mệt mỏi và cũng dễ nhiễm bệnh hơn. Vì thế, chăm sóc sức khỏe trong những ngày này sẽ giúp chị em vượt qua “thời kỳ nhạy cảm” một cách dễ dàng


- Chăm sóc cơ thể
Với những chu kỳ khác nhau, thời gian hành kinh của chị em phụ nữ cũng dài ngắn khác nhau. Tuy nhiên, những ngày “đèn đỏ” thường kéo dài từ 3-5 ngày. Trong những ngày này, cơ thể rất nhạy cảm với thời tiết, với những đổi thay tâm lý, vì thế giữ sự cân bằng về tâm sinh lý trong những ngày này cần được quan tâm.
Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa sản 1 (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai), lâu nay, nhiều chị em coi thường việc chăm sóc cơ thể những ngày hành kinh nên những ngày “đèn đỏ” diễn ra là cả một sự mệt mỏi, cáu gắt.  Trước hết, những ngày “đèn đỏ”, cơ thể dễ bị lạnh và sức đề kháng giảm nên cần được giữ ấm để tránh bị cảm và tránh những kích ứng của môi trường làm tăng cảm giác đau và khó chịu ở phần bụng dưới. Chị em chú ý giữ ấm gan bàn chân và phần bụng; Hạn chế gội đầu vì những ngày hành kinh lỗ chân lông và chân tóc thường giãn nở ra, nên gội đầu dễ gây rụng tóc, nước có cơ hội thấm sâu vào da đầu làm chị em đau đầu, da đầu cũng dễ bị kích ứng bởi hóa chất có trong dầu gội. Nếu biết trước được ngày hành kinh, có thể gội đầu trước, hoặc có gội đầu trong những ngày này nên lau và sấy khô đầu ngay sau khi gội; Chị em cũng không nên tắm ngâm mình trong ao, hồ, bồn tắm vì những ngày này, tử cung cũng “hở”  hơn nên tắm ngâm mình sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào sâu bên trong. Chị em chỉ nên xối nước từ trên xuống và rửa vùng kín để làm sạch cơ thể. Ngoài ra, chị em cũng cần sử dụng băng vệ sinh đúng cách. Căn cứ theo lượng kinh nguyệt mà nên mua những loại băng vệ sinh mỏng-dày khác nhau. Thường ngày thứ hai và thứ ba của kỳ kinh, lượng dịch ra nhiều hơn nên cần thay băng sau từ 2-4 giờ. Không nên sử dụng một miếng băng từ sáng đến tối, dù khi băng vệ sinh chưa đầy dịch. Những ngày còn ít, có thể dùng băng vệ sinh loại hàng ngày; Thêm vào đó, những ngày “đèn đỏ”, cơ thể yếu, tâm lý dễ bị kích động vì thế chị em nên tránh làm việc căng thẳng. Giữ chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đủ dinh dưỡng. Có thể tập những động tác thể dục nhẹ nhàng ngay cả trong lúc làm việc.

-  Những dấu hiệu bất thường
Một kỳ kinh được xem là không bình thường nếu ngày kinh diễn ra quá dài (ừ 3-5 ngày), lượng kinh quá nhiều hoặc quá ít, đau bụng, đau lưng, căng ngực dữ dội. Cụ thể, những cơn đau tức, khó chịu ở phần bụng dưới hường chỉ xuất hiện vào những ngày đầu thời gian “đèn đỏ” và sẽ mất đi ngay sau đó. Tuy nhiên, nếu chị em có cảm giác đau bụng dữ dội, bất thường và kéo dài trong suốt những ngày này thì đó lại là những dấu hiệu nguy hiểm, báo hiệu của việc “tắc nghẽn” khí huyết, khiến cho dịch kinh và các độc chất không được lưu thông và đào thải ra ngoài, gây ứ đọng trong tử cung. Để lâu ngày có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho tử cung; Lượng dịch kinh ra quá nhiều. Trung bình, mỗi kỳ “đèn đỏ” sẽ “lấy đi” của chị em từ 35 - 85ml máu. Lượng máu này sẽ nhanh chóng được bù đắp trở lại. Nếu lượng máu mất đi trong những ngày “đèn đỏ” của chị em tăng đột biến, có thể đó là nguy cơ xuất huyết tử cung, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cơ thể, vì thế cần có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.

Một vấn đề khác trong thời kỳ “đèn đỏ” mà chị em cần quan tâm, đó là chu kỳ kinh. Thông thường chu kỳ kinh kéo dài từ 28 - 35 ngày. Nếu ngày “đèn đỏ” xuất hiện sớm hoặc muộn hơn quá nhiều ngày so với khoảng thời gian trên, hãy nghĩ tới sự viêm nhiễm ở cơ quan sinh sản. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới vô sinh hoặc các căn bệnh ung thư nguy hiểm ở phụ nữ. Ngoài ra, việc xuất hiện các triệu chứng sốt, đau đầu, nôn mửa  là những dấu hiệu sớm của chứng viêm loét hay có các khối u trong cơ thể, nhất là các khối u ở cơ quan sinh sản như: tử cung, buồng trứng… Hãy đi khám bác sĩ để có được lời khuyên và phương pháp chữa trị thích hợp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét